Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Miss call

Miss call… - TOU

 

Tối qua có một cuộc gọi nhỡ lúc mười một giờ đêm, chả biết loay hoay thế nào mà mãi đến một giờ sáng mới nhận ra cuộc gọi nhỡ này.

Chợt lo âu quặng thắt, vì người gọi chưa bao giờ gọi sau chín giờ, vì rất nhiều lý do, nhưng lý do chính vẫn là sợ làm phiền người nghe

ấy vậy mà có cuộc gọi nhỡ lúc mười một giờ đêm

ngồi thừ người, cầm cục sắt blackberry trong tay, xoay xoay.. bây giờ là một giờ sáng, có nên gọi lại không, có nên gọi lại không… đã có chuyện gì, đã xảy ra chuyện gì, sao lại gọi khuya thế này, sao lại có cuộc điện thoại bất thường thế này…

bây giờ là một giờ sáng, có nên gọi lại không? Nếu có chuyện gì, thì phải làm gì… nếu không có chuyện gì.. thì cuộc gọi trở lại càng không nên…

quyết định là không, vì nếu có gì thật sự đặc biệt, người gọi vẫn có thể gọi lại ít nhất một lần nữa sau cuộc gọi đầu tiên.

Chỉ có thế thôi, cùng làm mất ngủ.

Suốt một đêm nằm trằn trọc, suy nghĩ và suy diễn, có gì không ta, có sao không ta, bậc tam cấp, phòng tắm, ổ cắm điện, bàn ghế giường tủ…

Mong trời mau sáng, để gọi điện thoại

Mong trời mau sáng, chỉ để biết một điều, vì sao tại sao chuyện gì đã xảy ra…

Rồi cũng hừng đông, sáng tỏ,

Việc đầu tiên trong ngày, phải làm, cần làm là điện thoại…

Đầu dây bên kia giọng thật nhẹ nhàng… "không có gì đâu mà.. chỉ là.. tự nhiên… mẹ nhớ con…"



--
Đừng tưởng mày khóc
                           nghĩa là mày đau khổ.
Tuy tao cười
                 nhưng nước mắt ở trong tim.
            ( ^ _ ~ )  lang~tu?coi`  ( ^ _ ~ )
                    QuốcLA _ TM
                       
                                 097 22 99 029 
                                        0909 665 388

Con Chim Non

Natsuko - Myselfvn
Vừa nãy trên đường đạp xe về nhà thì gặp một em chim non nằm trên đường nhựa lên dốc. Em non lắm, chắc vừa được sinh ra. Chỉ bé bằng ngón tay cái, màng cổ trong veo, chưa mở mắt. Em nằm co trên mặt đường nhựa, dưới cái nắng giữa trưa gay gắt của một mùa hè nóng đỉnh điểm. Vì trông em xơ xác quá, mình tưởng em đã chết. Phần đường dành cho xe đạp nhỏ, mình đỗ lại định nhặt em để lên vệ cỏ, lấy đường đi, đúng lúc đó thì mình thấy làn da cổ mỏng manh của em khe khẽ phập phồng. Mình nhìn quanh, không một cây to nào khả dĩ có thể là nhà của em. Nhà của em ở đâu? Mẹ của em ở đâu?
Mình lúng túng một lúc, muốn đặt em bên vệ cỏ để mẹ em có thể tìm lại em, nhưng lại sợ kiến, sợ cái nắng như táp lửa làm đến mình cũng sắp lăn quay ra ngất. Mình bèn đặt em vào giỏ xe, lao về nhà. Việc đầu tiên là lấy một cái thìa nhỏ mớm nước cho em. Vì em chưa mở mắt, mình cũng không biết em có uống được không nữa. Mình chưa nuôi chim bao giờ, lại là một em chim bé tí như thế này, mình chẳng biết chăm em thế nào.
Bạn Phan thấy mình hôm nay về đến nhà không bắt bạn rửa tay, cứ loay hoay với em, thì bạn cũng chạy ra hỏi han. Mình bảo: "Em chim non đấy con ạ". Bạn Phan ríu rít: "Chim non! A! Em chim non. Mẹ ơi, em chim non đang ngủ. Em chim non không ngủ. Em chim non dậy đi".
Ừ, em chim non ơi, dậy đi.
Dù từ khi về đến nhà, mình không thấy em cử động nữa, nhưng người em vẫn còn mềm ấm, nên mình vẫn còn hy vọng.
Giờ thì người em đã lạnh và cứng rồi.
Mình đặt em nằm tạm dưới gốc mận ngoài ban công, chiều nay sẽ cùng Phan đưa em ra công viên yên nghỉ cho mát mẻ.
Em à, mình xin lỗi là mình không thể cứu được em. Mình đã hy vọng rằng, ngay cả khi mình chưa biết chăm sóc em như thế nào, thì chút nước mát từ bàn tay một người mẹ cũng sẽ tăng thêm ít sinh lực cho em. Hy vọng đó giờ tắt ngấm rồi.
Nhưng mình vẫn hy vọng, em đã có thể cảm thấy đôi chút dịu lòng vì không phải trải qua những giây phút cuối cùng trên đường nhựa giữa một buổi trưa nắng gắt.
Có thể cảm thấy rằng, ít nhất có một ai đó đã coi sự sống của em là quan trọng, đã làm hết sức mình để níu kéo nó. Đã để nước mắt lặng lẽ chảy trong lòng vì thương em. Thương mẹ của em.
Hy vọng em cũng đã có thể nghe thấy tiếng Phan hồn nhiên gọi em dậy. Phan còn bé lắm, mới 2 tuổi rưỡi thôi. Phan chưa hiểu thế nào là Cái Chết, chưa biết buồn cho em. Nhưng Phan đã biết yêu mọi vật quanh mình, Phan yêu em như thể đó là điều tự nhiên nhất.
Hy vọng, ở một nơi nào đó, em sẽ tiếp tục lớn lên theo một cách khác, dưới một hình hài khác, và một ngày nào đó, sẽ trở lại thế giới này, líu lo cất tiếng hót trên những tán cây.
Thôi, em ngủ đi nhé.
Mẹ đặt tên em là Natsuko nhé. "Ko" là từ gọi âu yếm những sinh vật nhỏ bé, tên nhiều em bé Nhật cũng có âm cuối là "ko". Còn Natsu là mùa hè. Em đã đến và đi trong một ngày hè, một chuyến bay ngắn ngủi, chưa kịp biết buồn vui.
Natsuko ơi, ngủ bình yên... Rồi sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Nhưng người viết và đọc những dòng này biết đến sự tồn tại của em.

Toán về quê em - Một thế giới khác

Mấy tuần nay vui quá. Làng trên, xóm dưới, đâu đâu cũng bàn tán râm ran chuyện đại hội Ấn độ, chuyện nhà bác gì được đi gặp chủ tịch nước.

- Cái tay ấy giỏi kinh, các cụ nhể. Nhưng vẫn chưa giỏi bằng tay kiện tướng cờ ấn độ. Một mình nó oánh cả 40 nhà toán học thế giới. Nước mình phải phát triển cờ mới đúng. Mỗi ngày mẹ đĩ nhà cháu ép thằng cu Dĩn tập oánh cờ 8 tiếng liền.
- Vợ chồng ông dốt bỏ mẹ. Tay ấy oánh cờ vua, chứ cờ tướng nhà mình làm sao mà thông minh được. Mấy chục năm nay chiều nào ông cũng ngồi đây hút thuốc, oánh cờ. Có thấy khôn ra tí nào không?

Cụ Thà, bí thư chi bộ xã nói chêm vào.
- Vừa rồi tôi đi họp trên tỉnh. Trên phổ biến, mỗi thôn phải tổ chức một lớp chuyên toán cấp 1. Mỗi xã phải có một khối chuyên toán cấp 2. Xã nào cũng phải thành lập thư viện toán học.
- Cháu nghĩ chỉ tiêu như thế ngặt quá ạ. – Chị Phấn rụt rè thưa – Mấy năm nay cả huyện không có em nào đỗ đại học. Cả xã mình chỉ có 4 em đang học cấp 2 thôi ạ. Ủy ban có cái tủ sách cũng bị trẻ con đập gãy, lấy đi hết truyện tranh, chả còn quyển nào.
- Đây là chủ trương của các thầy ở tận Hà nội. Người ta nhìn xa trông rộng, tính kỹ cả rồi. Đàn bà biết gì. Đứa nào vào được cấp 2, bắt đi học chuyên toán hết. Tôi có thằng cháu họ bán đồ đồng nát ở ngoài đấy. Thỉnh thoảng có cuốn sách toán tiếng nước ngoài, bán rất rẻ mà chẳng ai mua. Mỗi gia đình xã ta chỉ cần góp vài ngàn là lập được thư viện. Toàn sách tiếng tây không đánh vần được, trẻ con lấy trộm làm gì. Chị không biết chứ, toán học vô cùng quan trọng đối với đất nước. 90% cái xe bò nhà chị có toán ở trong đấy.

Chái nhà bên, cụ Bỉnh đang ngồi cặm cụi viết thư.

"Thuấn thương nhớ của thày,

Ở nơi đảo xa, ngày ngày luyện tập có vất lắm không con? Thày u vẫn khỏe. U mày vừa bán con lợn sữa, nhờ người lên tận tỉnh mua được một cuốn Bồ Đề Cơ Bản mới tinh do Bộ giáo dục dịch. U mày giấu ở bồ thóc trong buồng. Khi nào định đến chơi nhà ai thật quý, thầy mới xé một trang, gấp nhỏ lại, bọc vào lá chuối làm quà.

Thư này, thày gửi cho con một trang có nhiều chữ Q, để con luôn nhớ về Quê Hương. Nhà ông Sửu cuối xóm lắm tiền còn treo nguyên cả xâu bồ đề cơ. Đằng nào cũng chả đọc được chữ Nho. Thà thay Hoành phi Câu đối bằng Xâu Bồ đề, lại được tiếng là hiếu học…."

Vui nhất là đêm Hội thi Giỏi toán Toàn xã. Giải nhất thuộc về bác Thốn. Bác tâm sự :"Nhà nghèo nên cháu chỉ học hết lớp hai rồi đi làm. Nhưng dòng họ nhà cháu có truyền thống hiếu học. Ban ngày, đi thả trâu, gánh phân, đập lúa. Tối đến cháu lại chong đèn ngồi học Bổ đề Cơ bản đến tận khuya. Mỗi ngày cháu cố gắng tập chép 10 dòng. Chép đến đâu, học thuộc lòng đến đó. Chữ nào khó vẽ quá thì nhờ cụ giáo Bôn dạy cho bằng vẽ được mới thôi. Đến hội thi lần này, cháu đã thuộc tới mức vẽ 5 trang chữ liền tù tì, không cần nhìn sách…".

Nghe đến đây, cả hội trường xúc động, vỗ tay rào rào. Ai cũng tấm tắc khen bác Thốn nỗ lực vượt khó khăn, phấn đấu học giỏi. Bác Thốn cũng run run cảm động, cứ lấy khăn lau mồ hôi mãi. Cuối cùng, bác thổ lộ quyết tâm từ nay đến cuối đời sẽ cố gắng học thuộc lòng, để vẽ được toàn bộ 200 trang chữ của Bổ đề.

Tiếp theo phần hội thi là phần văn nghệ. Các em thiếu nhi vừa hát, vừa đánh trống ếch rộn ràng:

Á có bác Chầu đời em được ấm no
Chúng em múa ca càng nhớ công ơn bác Chầu.

(PS: Viết cho vui thôi. Tớ với nhà bác C không có vấn đề gì xích mích đâu nhé. Hi vọng không ai hiểu lầm.)


--
Đừng tưởng mày khóc
                           nghĩa là mày đau khổ.
Tuy tao cười
                 nhưng nước mắt ở trong tim.
            ( ^ _ ~ )  lang~tu?coi`  ( ^ _ ~ )
                    QuốcLA _ TM
                       
                                 097 22 99 029 
                                        0909 665 388

Bạn đã bao giờ nghe chuông điện thoại, bốc máy, đầu dây bên kia "Em à"... ?

Bạn đã bao giờ nghe chuông điện thoại, bốc máy, đầu dây bên kia "Em à"... ?

Tớ đã từng shock 'loạn nhịp' vì 'Em à'. Giờ thì tớ xếp đó vào nhóm 'shock văn hóa' (culture shock). Vì sao gọi thế thì tớ sẽ giải thích ngay đây.
(Hình minh họa/ sưu tầm)

Số là, tớ ở TN từ nhỏ đến 16 tuổi, chưa từng nghe 'Em à'.
Hai năm sau đó học ở Hà Nội, cũng chưa nghe 'Em à'.
Rồi đi du học. Năm thứ nhất, thứ hai, tớ đã từng rung rinh lắm khi nhận được bức thư 'Bé con à'. Nhưng vì thấm lời mẹ dặn đi xa đừng yêu sớm, thế là anh 'bé con à' yêu người khác mất.
Cuối năm thứ 3 tớ có người yêu. Ở xa là nhiều mà hồi đó chỉ toàn thư tay đâu có dễ điện thoại, thế nên tớ chỉ được nghe tổng cộng vài lần 'Em à', không đủ để quen với cụm từ vô cùng dễ mềm lòng ấy cho đến khi cuộc sống đẩy mỗi đứa mỗi nơi xa mãi.
Về nước, vô Sài Gòn nhận việc đi làm rồi lấy chồng có con, tớ cất lãng mạn vào một góc, quên đi là có cụm từ 'Em à' trong cuộc sống.

Nói túm lại là từ nhỏ cho tới khi rời Sài Gòn tớ đinh ninh 'Em à', 'Anh à' là cái từ những người của riêng nhau nói với nhau, mà là khi người ta rất care, rất thương, ai diễm phúc mới có được. Chúa ơi, chính vì thế nên một lần khi mới chuyển ra Hà Nội, tớ bị chao nghiêng ngả khi nghe điện thoại 'Em à'. Trái tim đập bung biêng đến nỗi tớ phải thò tay giữ lấy. Em à - nghe sao mà dịu, sao mà care... gỗ đá cũng phải mềm.

Dần dần, tớ nhận thấy, nghe thấy nhiều 'Em à' hơn, không phải là với tớ, không phải từ đồng chí 'Em à' kia mà từ những người khác nói với những người khác. Không là cặp đôi, không là tình nhân, tóm lại, chẳng là riêng tư của nhau cũng có thể 'Em à'. Nhiều khi đơn giản như là câu hỏi để chắc đây là em mà tôi hẹn gọi đấy à.
Đồng nghiệp thân thân, có việc hẹn gọi, 'Em à?'. Đối tác thiện cảm, có việc gọi mobile, nghe đúng giọng 'Em à?...'. Thậm chí chị bạn làm chung với tớ gọi cho Sếp khi Sếp ở nhà mà cũng hét toáng 'Anh à, abcd..'.

Đấy là khác giới, chứ cùng giới thì càng phổ biến nhé. Các chị bạn hay đồng nghiệp mà quý quý tớ gọi điện cho tớ rất thường hay 'Em à, chị ... đây'.

Thế, tớ nhận ra rằng đây là đặc sản của Hà Nội. Hà Nội 'Em à' không như Sài Gòn hay những miền khác. Hờ, tớ nhận ra tớ shock rung rinh 'Em à' ngày đầu Hà Nội mà thật ra là 'chẳng nghiêm trọng đến thế', là tớ shock văn hóa đấy thôi, bé cái nhầm :)

Thế nhưng kể cả là như vậy, cho đến giờ, chắc là vì tớ chưa ngấm hẳn đất mới, nên lâu lâu tớ vẫn bị dừng mất một giây, để trấn tĩnh đừng rung trước hai cái từ đặc sản Hà Nội rất dễ mềm lòng 'Em à?'.


Còn bạn, có bao giờ rung rinh khi nghe  "em à " không, thử call cho 1 anh nào đó để nghe xem
:D



--
Đừng tưởng mày khóc
                           nghĩa là mày đau khổ.
Tuy tao cười
                 nhưng nước mắt ở trong tim.
            ( ^ _ ~ )  lang~tu?coi`  ( ^ _ ~ )
                    QuốcLA _ TM
                       
                                 097 22 99 029 
                                        0909 665 388

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Liên Hệ email: Lqlangtucoi@gmail.com DĐ: 0932230388