Trong một lần vượt trại, Bạch Hải Đường (BHĐ) đã viết một dòng chữ lên tường nhà giam: “Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù”, nhưng cuộc đời của y thì hoàn toàn ngược lại, thường xuyên ở trong tù và luôn tìm cách vượt ngục. Bi đát hơn, cuộc đời của y cuối cùng đã kết thúc ngay trong... nhà giam - một kết cục tất yếu cho bất cứ con người nào không muốn sống lương thiện.
Kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi
Trái với lời nói như đinh đóng cột của BHĐ, mới bước qua tuổi 21, độ tuổi sung sức để bước vào đời, xây dựng bao nhiêu ước mơ, hoài bão, nhưng BHĐ đã bước vào... nhà giam dưới thời chế độ cũ. Đó là năm 21 tuổi, BHĐ gặp lại “bạn tri kỷ” là Phạm Văn Năng (thợ hớt tóc tại Long Xuyên) và rủ nhau đi trộm xe Honda bán lấy tiền xài. “Trong vòng hai năm từ 1971 đến 1973, tôi và Năng đã lấy trót lọt hơn 50 chiếc xe Honda tại Long Xuyên. Trong một lần lấy xe của Tô Hồng Ph. thì bị bắt, bị tòa xử sáu tháng tù giam. Khi ra tù, tôi bị bắt đi quân dịch. Tôi bị đưa vào trung tâm Chi Lăng để luyện tập bốn tháng. Sau đó, họ đưa tôi ra Sư đoàn bộ binh 21 đóng tại Cần Thơ. Tôi ở đó được một tháng thì trốn trại, về nhà ở với vợ cả tại Thốt Nốt” - đó là lần đầu tiên BHĐ phải ở tù.
Tìm cách trốn khỏi nơi giáo dục, khoảng một năm sau, BHĐ bị bắt vì lấy trộm xe đạp, bị tòa xử ba tháng tù giam. “Sau khi hết ba tháng lại đưa tôi đi quân dịch, cũng học tại Chi Lăng khoảng bốn tháng, rồi sau đó đưa tôi ra Sư đoàn 9, Trung đoàn 15 tại Vàm Cống, Đồng Tháp. Ở đó được khoảng một tháng, tôi lại trốn về Long Xuyên, cùng với tên Năng, Triệu và thêm Nguyễn Văn Hà, bốn đứa đi ăn trộm đồ ở nhà người khác bán lấy tiền ăn xài như trước” - đó là lần thứ hai BHĐ phải xộ khám và cũng là lần thứ hai y trốn khỏi quân ngũ để ra ngoài “hành nghề”.
Với bản chất lưu manh như thế, lẽ ra giới cầm quyền lúc đó sớm có biện pháp giáo dục, cải tạo nghiêm nhằm cho BHĐ nhận ra tội ác của mình để cải tà quy chính. Nhưng giới chức lúc đó, có người đã lợi dụng tên “siêu trộm” này vào các mục đích chính trị nên đã bảo kê cho y. Để rồi BHĐ vẫn ngựa quen đường cũ, tiếp tục lao vào con đường phạm tội.
Lần thứ ba, BHĐ bị bắt giữ, nhưng không phải do cảnh sát, quân cảnh bắt mà bị bắt bởi... phế binh và bị bàn giao cho cảnh sát. Đó là lần BHĐ bị bắt tại làng phế binh Mỹ Phước, bị tòa án xử một năm tù giam. Như vậy, trong vòng bốn năm, BHĐ đã ba lần vào nhà giam.
Số phận của BHĐ đôi khi gặp may vô cùng. Năm 1975, khi đang thụ án tại nhà lao thì miền Nam được hoàn toàn giải phóng (ngày 30-4-1975) và đúng một ngày sau, ngày 1-5-1975, khi mọi việc còn đang hỗn độn thì BHĐ đã “tranh thủ” trốn ra ngoài. Trước khi bôn tẩu, y ngạo mạn viết lên tường nhà giam: Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù.
Dòng chữ này đã khiến lực lượng an ninh của chính quyền cách mạng không thể không để mắt đến hành tung của BHĐ. Chưa đầy một tháng sau, BHĐ bị bắt giữ, sau khi y vừa đột nhập khách sạn lấy trộm đồ của một số cán bộ tiếp quản. “Ngày 23-6-1975, tôi ra khách sạn An Giang, đang đứng nói chuyện với anh bồi phòng, thì bỗng có ba người mặc đồ dân sự đến nhìn tôi, rồi các ông này móc súng ngắn ra ra bảo tôi đưa tay lên và lấy còng ra còng tay tôi, nói tôi là tướng cướp Bạch Hải Đường. Tôi bị giải về trụ sở an ninh, ở trên lầu một được khoảng 20 ngày, họ đưa tôi lên trại tạm giam” - BHĐ nhớ lại lần y bị các cán bộ tiểu ban chấp pháp (Ty an ninh Long Châu Hà) bắt giữ.
Đây là lần thứ tư BHĐ phải ngồi nhà giam, dưới hai chế độ. Nhưng, với bản chất lưu manh, thích hưởng thụ và lười lao động, BHĐ đã tìm cách vượt ngục thêm một lần nữa. Đó là vụ việc xảy ra tối 31-8-1975, BHĐ đã cùng với hai đối tượng hình sự leo khỏi hàng rào nhà giam ra ngoài. Trước khi đi, BHĐ để lại một tờ giấy viết bằng mực xanh nguyên tử do y viết trước đó khoảng ba tiếng đồng hồ với nội dùng là: “Xin Cách mạng thông cảm và tha lỗi cho tôi. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mới trốn, và tôi hứa là về sẽ tăng gia sản xuất để sống. Tôi không phạm tội nữa” - Bạch Hải Đường.
Cũng như nhiều lần khác và không hề “quân tử nhất ngôn” như giới giang hồ đồn đại, BHĐ luôn luôn hứa và... thất hứa rất nhanh. Sau khi vượt khỏi trại tạm giam, y tiếp tục kết bè với nhiều tên đồng bọn khác để trộm cắp tài sản khắp các tỉnh thành, như: An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu... Cho đến một ngày đầu năm 1980, tài sản lấy trộm dường như không thỏa mãn lòng tham và thói quen ăn chơi, BHĐ đã cùng đồng bọn tổ chức vụ cướp vàng của một nhóm người tại biên giới. Đó cũng là lúc lực lượng công an, bộ đội An Giang đã truy lùng, vây ráp BHĐ gắt gao hòng bắt y phải quy án. Ngày 22-3-1980, y đã bị lực lượng thị đội phát hiện và bắt giữ khi đang tổ chức ăn mừng vụ cướp vàng tại biên giới trước đó một ngày.
Ngày 20-5-1980, BHĐ đục tường nhà giam trốn trại và để lại dòng chữ Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường. Tuy nhiên, những dòng chữ như thách thức pháp luật của BHĐ đã không thể chứng minh những gì hắn muốn là được. Bởi với lực lượng Công an tỉnh An Giang, lúc đó BHĐ đã trở thành một đối tượng vô cùng nguy hiểm, cần phải nhanh chóng khuất phục nhằm tránh hậu quả khôn lường cho xã hội. Sau hơn hai tháng truy tìm, ngày 25-7-1980, lực lượng cảnh sát hình sự An Giang đã buộc BHĐ trở lại... nhà giam để chiêm nghiệm câu nói Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù của y. Đó là lần thứ năm, BHĐ phải bước qua cổng nhà giam. Lúc này, y mới được 30 tuổi đời. Trong thời gian bị giam giữ, BHĐ đã nhiều lần toan trốn trại. Tuy nhiên, với sự cảnh giác cao độ của lực lượng công an, y đã không thể có thêm cơ hội nào nữa.
Vì sao một con người vốn thông minh, khéo léo, hiếu thảo với cha mẹ, nghĩa tình với vợ con và có khả năng võ thuật như BHĐ lại trở thành tên tội phạm lỳ lợm như thế? Với những tài liệu mà chúng tôi đã phản ảnh trong loạt bài này, có thể thấy rằng, ngay từ buổi manh nha, BHĐ đã không hề có được một sự cải tạo, giáo dục hoàn chỉnh, hiệu quả của bộ máy chính quyền chế độ cũ. Những đối tượng phạm pháp như BHĐ không chỉ có “đất” để tung hoành mà còn được không ít quan chức chế độ cũ che chắn, lợi dụng khiến chúng càng ngang tàng, liều lĩnh hơn, gây tội ác ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu được giáo dục, ngăn chặn kịp thời, biết đâu BHĐ đã là một người có ích cho xã hội, với những khả năng khá đặc biệt của y. Tiếc thay, dưới “bàn tay” lạnh lùng và mưu mẹo tư lợi của một số quan chức chế độ cũ, đã đẩy một con người như y trở thành một kẻ phạm tội, gây ra quá nhiều tội lỗi để có tiền ăn chơi xa hoa và cuối cùng không thoát khỏi quy luật tất yếu là kết thúc cuộc đời khi còn quá trẻ.
Những ngày cuối đời trong trại tạm giam Công an tỉnh An Giang, khi được những cán bộ quản giáo tận tình chăm sóc bệnh tật, ân cần giáo dục, động viên, BHĐ đã nhiều lần rơi nước mắt. Suốt hơn hai năm ở trong trại tạm giam, BHĐ mới nhận ra thế nào về cái gọi là “thủy chung”, “tình huynh đệ”... khi không hề có một người thân thích, bạn bè, vợ con đến nhà giam hỏi thăm y lấy một lời. BHĐ sớm nhận ra sự cay đắng khi y đã nhiều lần vì họ mà lao mình như con thiêu thân vào con đường phạm tội. Tình người duy nhất mà BHĐ cảm nhận được bây giờ chỉ có nơi những cán bộ chiến sĩ công an. Cho đến khi cảm thấy không còn giấu giếm những tội lỗi được nữa, BHĐ đã viết: Kính thưa chính quyền Cách mạng, từ ngày bị bắt đến nay tôi đã ăn năn hối cải về tội lỗi của mình gây ra, nên tôi đã thật thà khai báo hết. Tôi đã chỉ rõ các tên đồng bọn... Nay tôi xin Đảng, chính quyền Cách mạng khoan hồng cho lòng thành khẩn, hối cải của tôi. Tôi xin hứa là từ nay về sau không còn ý nghĩ trốn trại nữa mà quyết tâm cải tạo tốt, để sau này được ra tù, tôi sẽ làm ăn lương thiện. Tôi xin thành thật biết ơn Đảng và Nhà nước.
Tiếc thay, cho đến khi BHĐ thật sự hối cải thì những vết thương do bị bắn trong những vụ trốn chạy sau khi gây án, càng ngày càng nặng, làm cho sức lực của BHĐ kiệt quệ. Cộng với lối sống buông thả trong thời gian dài đã khiến bệnh tật thêm trầm trọng. BHĐ đã trút hơi thở cuối cùng tại phòng giam số 15, Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang ngày 13-7-1983, kết thúc ở tuổi đời 33, kết thúc một cái tên mà người đời đã gọi là “tướng cướp Bạch Hải Đường”.
Từ cuộc đời của y, có thể rút ra nhiều điều bổ ích cho cách sống và các biện pháp giáo dục, giúp người tội phạm hoàn lương. Đó là: Sống có trách nhiệm với gia đình xã hội và luôn nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, mầm thiện luôn có trong mỗi người. Đừng nuôi ảo tưởng “người hùng” bằng tội lỗi và chống lại pháp luật. Không thể có cuộc sống yên bình, hạnh phúc nếu chỉ nghĩ đến kiếm tiền bằng các hành vi bất chính. Hãy tìm kiếm thành quả từ lao động chân chính, ý chí vượt khó và ý thức sống, làm việc theo pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét