Liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5-1974, những tờ báo của Sài Gòn đưa tin sốt dẻo về việc nhà của Lê Phước S. - dân biểu đại diện nhóm Bảo an đoàn trong quốc hội của chế độ cũ và nhà của đại úy Triệu - phó chỉ huy cảnh sát An Giang của chế độ cũ bị kẻ gian đột nhập lấy đồ đạc và vũ khí.
Đối với giới chức của chế độ cũ và người dân, điều đó là một sự kiện bất ngờ về công tác bảo đảm an ninh trật tự. Bởi nhà của những người này luôn có lực lượng cảnh sát, bảo an bảo vệ hết sức nghiêm ngặt 24/24 giờ. Hai vụ đột nhập đã làm cái tên Bạch Hải Đường (BHĐ) xuất hiện...
Theo biên bản hỏi cung của cán bộ Ban chấp pháp thuộc Ty an ninh tỉnh Long Châu Hà (An Giang lúc đó vẫn còn là tỉnh Long Châu Hà, Cộng hòa miền Nam Việt Nam - sau bầu cử thống nhất đất nước vào năm 1976 mới đổi tên thành tỉnh An Giang) ngày 7-7-1975 và ngày 10-7-1975 (21 ngày trước khi BHĐ vượt trại), BHĐ đã khai rất rõ về hai vụ đột nhập và nhà của hai nhân vật cộm cán trong chính quyền chế độ cũ. Thế nhưng, chi tiết về sự kiện xảy ra sau đó đã được y giấu kín. Mãi đến bảy năm sau, y mới thổ lộ trong bản tự khai của mình.
BHĐ khai: “Tháng 3-1974, tôi và Năng (Nguyễn Văn Năng - một đối tượng “chung vai sát cánh” với BHĐ gần như suốt quá trình phạm tội - NV)), cùng đến nhà dân biểu Dương Minh Q. để lấy trộm. Khi chúng tôi vào tưởng là do Mỹ đang thuê. Nhưng lúc đó, Lê Phước S. đang ở. Tôi leo theo ống nuớc chui vào nhà, lấy được một cái túi. Khi về nhà mở túi ra xem thì phát hiện trong đó có hai cây súng. Một cây súng rulo nòng ngắn năm viên và một khẩu súng nhỏ là colt 45 rất đẹp...”.
Ngày hôm sau, đồng loạt những tờ báo của chế độ cũ đều đưa tin về vụ nhà của dân biểu Lê Phước S. bị đột nhập ngay giữa trung tâm thị xã Long Xuyên. Cảnh sát, quân cảnh lúc đó được dịp phô trương lực lượng tại nhà ông S. nhằm điều tra vụ việc. Đã có những nhận định vụ đột nhập mang màu sắc chính trị chứ không đơn thuần chỉ do kẻ gian vào ăn cắp. Riêng Lê Phước S. cũng được dịp để thị uy quyền thế của mình với thiên hạ và với các đối thủ chính trị khác khi tổ chức gặp gỡ nhiều nhân vật có vai vế ngay tại nhà để “tìm thủ phạm”.
Trong khi nạn nhân và cả giới cảnh sát, quân cảnh đang hết sức phẫn nộ vì cảm thấy bị “xỏ mũi” thì tại con hẻm Ba Lâu, BHĐ vẫn thản nhiên như không hề có chuyện gì. Bởi với hắn, đó chỉ là một lần đột nhập như những lần khác, chỉ để kiếm miếng ăn mà thôi. Càng khôi hài hơn, nếu như quân cảnh và cảnh sát thời đó biết được rằng, việc đột nhâp nhà của Lê Phước S. là một cú “ghé” ngang ngoài kế hoạch vì hôm đó, mục tiêu của BHĐ là căn nhà bên cạnh. Khi vào nhà này lấy trộm xong, BHĐ nhình thấy căn nhà của ông S. rất sang trọng nên “tiện thể” vào luôn. BHĐ khai: “Tôi thấy đèn sáng thì mở cửa vào lấy bị đồ. Sau về mới biết đó là nhà của dân biểu Lê Phước S., chứ tôi không biết trước đó là nhà ông S., cũng không biết ông S. là ai...”.
Chiến lợi phẩm lấy được trong căn nhà bên cạnh và cả trong nhà ông S. cũng như những lần lấy trộm ở những nơi khác: tiền, đồng hồ, áo quần. Hôm đó, riêng túi đồ mà BHĐ lấy từ nhà Lê Phước S. về, khi mở ra, BHĐ nói khẽ vào tai Năng:
- Có súng mày ạ!
Năng hơi bất ngờ, nhưng y không hoảng hốt vì chuyện lỡ “chôm” vũ khí của “quan” lúc đó:
- Thì mày cứ giữ lấy mà dùng!
- Tao biết rồi, nhưng giờ để ở đâu?
- Thì mày xem ở chỗ nào tiện thì gửi. Khi nào cần đến thì dùng.
BHĐ vỗ vai Năng:
- Thôi. Cứ để đó tao tính. Uống đi.
Hai tên trộm tiếp tục nâng ly chúc mừng chiến lợi phẩm vừa “thu hoạch”. BHĐ còn thấy lòng dạ “sảng khoái” vì hắn đã làm một việc khiến cho giới chức chính trị, quân cảnh, cảnh sát một phen nháo nhác.
Với giới quân cảnh, cảnh sát lúc đó cứ tưởng đó là phi vụ của một phe phái chính trị nào đó muốn thể hiện uy lực với dân biểu Lê Phước S. Thế nhưng, ba tuần sau, BHĐ lại tiếp tục làm một việc không ai ngờ tới: đột nhập nhà của đại úy N.V.Triệu - phó chỉ huy lực lượng cảnh sát chế độ cũ tại An Giang. Triệu là một sĩ quan nổi tiếng cứng rắn trên địa bàn An Giang lúc đó. Ông ta là một nhân vật quyền thế, giàu có và là nỗi ám ảnh đối với bọn lưu manh giang hồ ở vùng này. Mỗi khi Triệu mở chiến dịch “dọn dẹp” các đối tượng phạm tội hình sự thì gần như chúng đều bị bắt hoặc là phải “di cư” sang địa bàn khác để lẩn trốn, ẩn nấp chờ qua “chiến dịch” mới quay về. BHĐ là một trong số những đối tượng vốn rất biết tiếng tăm về sự cứng rắn của đại úy Triệu. BHĐ đã khai trong một số lần lấy cung và trong bản tự khai: “Vì đại úy Triệu truy bắt, mở chiến dịch truy quét nên tôi phải tạm lánh sang Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu... để khỏi bị bắt...”.
Thế nhưng, vì sao BHĐ sau vụ việc vào nhà Lê Phước S. khoảng ba tuần đã dám đột nhập nhà của đại úy Triệu?
Đây là một câu chuyện vốn đã được thêu dệt rất nhiều trong phim ảnh, truyện, sân khấu... Nào là BHĐ muốn “thể hiện” mình với đại úy Triệu, muốn “dằn mặt” đại úy Triệu vì Triệu đang truy tìm y. Một câu chuyện khác vốn được đồn đoán cho đến nay, là do đại úy Triệu đưa ra lời thách thức với khẩu khí của một bậc quân tử: “Ai vào được nhà đại úy Triệu lấy được bất cứ thứ gì thì ông ta sẽ “tặng” thêm cho một trăm cây vàng”. Rằng đại úy Triệu đưa ra lời thách thức trên trước mặt nhiều sĩ quan, quân lính của ông. Đương nhiên đại úy Triệu có cơ sở để đưa ra lời thách thức trên. Ông ta đường đường là một phó chỉ huy lực lượng cảnh sát, nhà cửa vô cùng kiên cố, kín cổng cao tường, quân lính canh gác cẩn mật. Nên viên đại úy này tin rằng việc đột nhập vào nhà ông ta là chuyện không tưởng. BHĐ vốn là một tay “siêu” đột nhập, bị kích động bởi lời thách thức trên nên quyết định “vào” nhà đại úy Triệu nhằm chỉ để “dằn mặt”. Sau đó BHĐ đã vào tận phòng ngủ của ông Triệu, ung dung ôm cái tivi ra khỏi nhà. Cuối cùng thì đại úy Triệu cay cú phải thực hiện lời thách thức, “chung” đủ 100 cây vàng cho BHĐ. Đây là những chuyện được thêu dệt và càng gợi trí tò mò khi được dư luận thêu dệt.
Trở lại với những tài liệu chúng tôi thu thập được, việc BHĐ đột nhập vào nhà đại úy Triệu là một câu chuyện có thật hoàn toàn. Hai tờ báo Đại dân tộc và Tia sáng của chế độ cũ có đưa tin về vụ việc này, ngay sau khi xảy ra. Trong bản cung khai ngày 7-7-1975, BHĐ đã trả lời cán bộ chấp pháp (Ty an ninh Long Châu Hà) như sau: “Sau khi vào nhà Lê Phước S., nửa tháng sau, tôi quay lại Long Xuyên, gặp lại tên Năng. Tôi và tên Năng đến nhà đại úy Triệu lấy được một cái vô tuyến và mấy bị quần áo. Sau đó, tôi mở tủ lạnh thấy đồ ăn ngon quá nên ngồi ăn. Ăn xong tôi đi vệ sinh ngay cửa sau của căn nhà đó...”.
Ngày hôm sau, đại úy Triệu đã tức giận và xấu hổ vì nhà bị đột nhập. Viên cảnh sát này đã thực hiện một cuộc vây ráp rầm rộ, đưa thông tin lên mấy tờ báo nhằm truy tìm hung thủ. Lúc đó, BHĐ mới biết nhà mà y vừa đột nhập là nhà của đại úy Triệu. BHĐ đã khai: “...Thì ra nhà mà tôi đột nhập là của đại úy Triệu, cảnh sát Việt Nam cộng hòa. Sáng hôm sau, đại úy Triệu thấy bị “nhục” vì không những nhà bị đột nhập mà còn bị tôi “vệ sinh” ngay cửa nhà, ông ta đã chạy ra chợ Long Xuyên, gọi mấy tên giang hồ ở khu vực đó dò hỏi xem đứa nào dám vào nhà ông ta. Mấy tên giang hồ ở Long Xuyên quá rành tôi về cái “bẩn tính” là cứ vô nhà ai lấy đồ, tôi cũng đều ăn uống no say và “vệ sinh” ra nhà rồi mới đi, nên cho ông Triệu biết đó là tôi”. Đại úy Triệu đến nhà tôi, đưa theo lính tráng đến bao vây nhà tôi. Nhưng tôi đã chạy khỏi được. Triệu đã vây bắt tôi mấy lần không được, nên cho đăng báo nói tôi là tên tướng cướp “Bạch Hải Đường” (tức là Nguyễn Ngọc Truyện) là tên cướp nguy hiểm. Nếu ai bắt được sẽ thưởng 50 nghìn đồng”.
Như vậy, có thể khẳng định việc BHĐ vào nhà của đại úy Triệu hoàn toàn không phải do bị “thách thức” hay để chứng tỏ như những đồn đại trước đây. Theo tài liệu hiện có thì BHĐ vào nhà Triệu chỉ do vô tình đi “kiếm ăn” mà thôi. Sau khi bị bao vây nhà và bị đăng truy nã trên báo thì BHĐ mới biết nhà mà y đột nhập là nhà của “cớm” lớn. Giữa tháng 5-1974, tờ báo Đại dân tộc của chế độ cũ đăng tin truy nã trên. Một tuần sau, báo Tia sáng cũng đăng lại bản tin trên. “Nhưng mãi sau đó không ai bắt được tôi. Mấy đứa tôi vẫn đi làm ăn bình thường” - BHĐ khai tiếp.
Đây cũng là sự kiện mà Nguyễn Ngọc Truyện (giới giang hồ gọi là Truyện “xăm mình”) được đại úy Triệu đặt cho một cái tên, mà có lẽ nhờ cái tên nghe có vẻ rất lãng mạn ấy đã phần nào khiến hắn nổi tiếng: Bạch Hải Đường. Trước đó, hoàn toàn không có cái tên này tồn tại, Nguyễn Ngọc Truyện cũng không bao giờ nghĩ ra được một cái tên “đẹp” như thế, càng chưa bao giờ được ai gọi hắn như thế. Cha mẹ, người thân, vợ con, người tình, đồng bọn cũng chưa bao giờ đặt tên cho hắn cái tên ấy. “Từ đó người ta cứ gọi tôi là Bạch Hải Đường chứ tôi hoàn toàn không biết cái “danh xưng” ấy từ đâu ra. Tôi không hề xưng danh với ai” - BHĐ nói về vái tên được “gắn” cho y. Người đặt ra cái tên ấy cho Truyện “xăm mình” chính là đại úy Triệu. Khi Triệu cho phát đi bản tin truy nã trên một số tờ báo: “...tên tướng cướp Bạch Hải Đường (tức là Nguyễn Ngọc Truyện) là tên cướp nguy hiểm. Nếu ai bắt được sẽ thưởng 50 nghìn đồng”. Đại úy Triệu không thể ngờ rằng cái tên mà ông ta dùng để đặt “biệt danh” cho Nguyễn Ngọc Truyện sau này trở nên nổi tiếng khắp miền Nam như thế. Có điều, vì sao đại úy Triệu lại đặt tên là Bạch Hải Đường thì không ai biết. Ngay cả BHĐ cũng không biết. Khi đi tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được một người đưa ra phán đoán, cái tên Bạch Hải Đường vốn là một nhân vật trong một tuồng cổ nào đó của người Hoa, đại úy Triệu có thể ví Nguyễn Ngọc Truyện như nhân vật đó (?).
Một chi tiết khác liên quan đến vụ đột nhập nhà đại úy Triệu bị viên cảnh sát này giấu nhẹm. Nguyên nhân có lẽ do sĩ diện. Chi tiết này được thể hiện trong tất cả lời khai của BHĐ với lực lượng công an khi hắn bị bắt. Đại úy Triệu đã cho người đi truy tìm, vây bắt nhưng không tìm được BHĐ, nên đã thực hiện một kế hoạch “tương kế tựu kế” với BHĐ để lấy lại đồ đạc đã mất. Tất nhiên, đây là một hành động “hạ mình” mà đại úy Triệu không hề để cho ai biết. Cho đến khi BHĐ đã khai ra trong những bản cung và bộc bạch trong lời tự sự của y. Đây là câu chuyện có thật, được các tài liệu thể hiện rất rõ.
“Khi lấy đồ của đại úy Triệu, Triệu cho người đi tìm. Có người chỉ tôi là người lấy đồ, nên đại úy Triệu đến nhà, gặp bà già tôi, hù dọa. Nhưng tôi không xuất hiện. Ông Triệu sau đó quay lại nhà tôi, năn nỉ bà già tôi hỏi tôi xem là tôi đã bán đồ ở đâu để đi chuộc lại. Tôi có nói với bà già là đồ của ông được bán cho một ông T. ở Vàm Cống (Đồng Tháp). Sau đó, ông Triệu đến chỗ mua đồ ấy chuộc lại tivi về” - BHĐ kể. Kể từ đó, đại úy Triệu càng thêm tức giận, luôn tìm cách truy lùng BHĐ. Mẹ của BHĐ vì sợ những lời hù dọa của đại úy Triệu đã khóc mà nói với BHĐ hãy đi khỏi đây một thời gian, không thì sẽ nguy hiểm. Vì thương mẹ, BHĐ đã nghe theo lời mẹ.
“Sau khi lấy được đồ đạc về, Triệu tiếp tục cho người truy tìm BHĐ nhưng vẫn không bắt được, đại úy Triệu rất tức giận, hù dọa bà già tôi. Bà già sợ quá nên biểu tôi phải trốn đi. Thế là mẹ tôi lên Sài Gòn ở, còn tôi về Sóc Trăng để lánh mặt Triệu” - BHĐ nói về vụ phải đi khỏi Long Xuyên của hai mẹ con. BHĐ qua Sóc Trăng ở nhà một người quen rồi quay lại Long Xuyên. Đại úy Triệu tiếp tục truy lùng và vây bắt BHĐ. BHĐ đã bị cảnh sát bao vây sau khi bị vợ y là Nguyễn Thị Lệ “chỉ điểm” cho đại úy Triệu sau một cơn ghen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét